Một số hóa thạch khủng long được tìm thấy tại Trung Quốc đã chứng minh sự tồn tại của một loài khủng long mà răng nanh có tuyến độc.
Link gốc

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại khủng long có các răng nanh có rãnh để dẫn nọc độc để làm tê liệt con mồi rồi ăn sống. Loài khủng long trên được đặt tên là Sinornithosaurus, còn có tên gọi khác là “thằn lằn chim Trung Quốc”, thuộc họ khủng long Dromaeosaur.

Loài khủng long này có kích cỡ bằng một con gà tây, được bao phủ bởi lông vũ và từng sống trong những khu rừng vào thời kỳ cuối kỷ Crêta, cách đây 99,6 – 66,5 triệu năm… Họ tin rằng các thành viên còn lại của họ khủng long Dromaeosaur có thể cũng giết và hoặc làm tê liệt con mồi bằng nọc độc.

Loài Sinornithosaurus tuy chỉ nhỏ bằng con gà tây nhưng lại có nọc độc chết người


Loài Sinornithosaurus khá gần gũi với loài Velociraptor, một trong những loài chim ăn thịt đã xuất hiện trong bộ phim “Công viên kỷ Jura”. Mặc dù có lông vũ và chỉ nhỏ bằng gà tây nhưng loài Sinornithosaurus không biết bay.

Các nhà khoa học tin rằng loài này đã săn các loài chim cổ bằng những chiếc răng nanh dài đủ để cắm xuyên qua bộ da con mồi.

Các nhà khoa học đã khai quật được một hộp sọ trong trạng thái tốt và một phần xương tại một cánh rừng tiền sử ở Đông Bắc Trung Quốc. Sinornithosaurus có những chiếc răng nanh khá giống với họ rắn mũi bên (tên khoa học Boiginae)  và họ thằn lằn độc như Gila Monster ở Mexico. Một loạt các răng nanh ở hàm trên có các rãnh để dẫn chất độc.

Loài Sinornithosaurus có các răng nanh dài, có rãnh để truyền chất độc


Các nhà khoa học của Mỹ và Trung Quốc cũng nhận thấy sự hạ thấp các xương hàm ở hai bên mặt mà có thể là để chứa các tuyến độc. Thay vì truyền một lượng chất độc mạnh mẽ  để giết con mồi, con khủng long này có thể chỉ làm tê liệt con mồi.

David Burnham, ĐH Kansas, Mỹ cho biết “Bạn sẽ không thể nhận biết được sự tấn công của nó. Nó sẽ bất ngờ sà xuống từ một nhánh cây thấp sau lưng bạn”. Con khủng long sẽ kẹp con mồi bằng đôi hàm. Một khi những chiếc răng đã cắm vào da, nọc độc sẽ ngấm vào vết thương. Con mồi sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái sốc nhưng vẫn sống và con khủng long sẽ từ từ xơi tái con mồi, Burnham cho biết thêm.

Hóa thạch của loài Sinornithosaurus.

“Tuy không giết chết con mồi bằng nọc độc nhưng cơ hội sống sót của con mồi rất thấp”, nhà địa chất học Enpu Gong, ĐH Đông Bắc, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc nói.

Một hóa thạch được phát hiện gần đó là của loài khủng long bốn cánh Microraptor. Các nhà khoa học tin rằng con Microraptor này đã bị một con Sinornithosaurus cắn, bơm nọc độc vào rồi xơi tái.

Các nhà khoa học cho rằng loài Sinornithosaurus dường như đã tiến hóa để thích nghi với việc săn các loài chim. Răng nanh của nó đã đủ dài để xuyên qua lớp lông dày và đâm qua da sâu từ 4-6 mm – đủ để nọc độc ngấm vào mạch máu.

Mạnh Kiên (tổng hợp)