Archive for April, 2010


Hãng Lockheed Martin đã phát triển thêm công nghệ tế bào nhiên liệu trên bộ khung xương robot HULC, nhằm hỗ trợ cho lính bộ binh Mỹ.
Link gốc

Thiết bị HULC của Lockheed Martin là một bộ xương ngoài phỏng theo dáng người với các thiết kế điện – thủy lực, sử dụng các pin lithium polymer.

Một máy tính siêu nhỏ bên trong làm nhiệm vụ nhận biết hành động của người lính và đảm bảo việc di chuyển của bộ xương đồng bộ với cơ thể người vận hành.

Thiết kế của HULC duy trì sự linh hoạt trong chiến đấu, cho phép việc ẩn nấp, bò trườn và nâng cơ thể có trọng lượng lớn với sự tiêu tốn sức người tối thiểu.

Với những cải tiến mới về tế bào nhiên liệu, bộ khung xương HULC cho phép các binh sĩ hoạt động trong 72 giờ.
HULC là một trong số nhiều công nghệ mà Lockheed Martin đang phát triển hỗ trợ cho lực lượng bộ binh. Lockheed Martin đang phối hợp với Protonex Technology Corporation để tính toán và phát triển các giải pháp năng lượng dựa trên tế bào gốc để cung cấp nhiên liệu cho bộ khung xương HULC và các thiết bị khác trong nhiệm vụ quân sự kéo dài.
Thiết bị HULC cho phép người lính mang vác tới 60 kg hoạt động rất nhẹ nhàng và thoải mái.
“Tích hợp các công nghệ năng lượng vào HULC là một cách tiếp cận toàn bộ hệ thống để đáp ứng các nhu cầu của chiến đấu trên chiến trường và các lực lượng đặc biệt”, Rich Russell, giám đốc Bộ phận Cảm biến, Liên kết dữ liệu và Chương trình cao cấp tại Trung tâm tên lửa và hỏa lực Lockheed Martin cho biết.

“Với một hệ thống quản lý năng lượng thích hợp, các khung xương HULC có thể được sử dụng để nạp cho các thiết bị quan trọng ở các trận chiến lớn trong các nhiệm vụ dài”.

Các binh sĩ thường phải mang theo hơn 60 kg khí tài điện tử và hàng đống pin để vận hành thiết bị trong các chiến dịch kéo dài hơn 72 giờ trên chiến trường. Các bộ khung xương HULC được trang bị bộ nguồn có thể nạp được sẽ cho phép các binh sĩ tham gia trong các chiến dịch dài ngày có thể mang ít pin hơn.

Mạnh Kiên (tổng hợp)
Hãng Hammacher Schlemmer vừa cho ra mắt khung ảnh số với tính năng quét ảnh và hiện thị ngay lập tức chỉ với một nút bấm.
Link gốc
>> Ba xu hướng của khung ảnh số

Cho dù đa phần các loại máy ảnh được sử dụng hiện nay đều là máy ảnh kĩ thuật số nhưng hầu hết các gia đình vẫn còn lưu giữ rất nhiều những tấm ảnh chụp từ máy phim. Cách phổ biến nhất để bảo quản và lưu giữ những bức ảnh này là dùng máy quét để chuyển chúng thành những tập tin ảnh kĩ thuật số.

Hammacher Schlemmer, mới đây cho ra mắt một mẫu khung ảnh kĩ thuật số với một máy quét tích hợp bên trong, cho phép nhanh chóng lưu giữ và hiển thị những bức ảnh kiểu cũ với thao tác nhanh gọn và dễ dàng.

Chỉ với một nút bấm, bạn có thể lưu giữ lại những bức ảnh cũ và lập tức trưng bày trong phòng khách.

Chiếc khung ảnh kĩ thuật số kiêm máy quét này sẽ chuyển đổi những bức ảnh in từ máy chụp ảnh dùng phim (với kích cỡ tối đa là 10x15cm) thành những file ảnh jpg độ phân giải 300 dpi.

Tất cả những gì bạn cần làm là nhét ảnh vào và bấm nút. Tập tin sẽ được lưu trữ bằng bộ nhớ trong 1GB – tương đương với 3.000 bức ảnh. Ngay sau khi quét xong, bạn có thể hiển thị bức ảnh trên màn hình TFT LCD 8 inch, với độ phân giải 800×600 pixel.

Khung ảnh của Hammacher Schlemmer còn cho phép trình chiếu ảnh thành slideshow kèm theo bản nhạc cài trong khung ảnh.

Hammacher Schlemmer cũng trang bị cho khung ảnh số này khả năng hiển thị lịch, đồng hồ, chiếu các clip định dạng MPEG và kết nối với máy in. Hai khe cắm cho phép bạn lưu trữ ảnh quét lên thẻ MS/SD/xD/MMC/CF hoặc thẻ nhớ USB để chuyển vào máy tính.

Các chức năng điều khiển có thể dễ dàng truy cập qua các nút bấm hoặc điều khiển từ xa. Hãng Hammacher Schlemmer công bố giá bán cho chiếc khung ảnh số này là 199,95 USD.

Mạnh Kiên (theo GizMag)
Đồ chơi xếp hình LEGO đã làm mê đắm trẻ em trên khắp thế giới. Niềm đam mê này còn “ám” cả vào những sản phẩm công nghệ hiện đại, vốn chẳng chút liên quan.
Link gốc
Dưới đây là 10 sản phẩm mang dấu ấn LEGO:

1. USB Flash LEGO

Thẻ nhớ USB phong cách LEGO trong ảnh là sản phẩm của hãng SolidAlliance, Nhật. Hãng này đã sản xuất rất nhiều que nhớ USB độc đáo như USB flash hình ngón tay, sushi…

Lần này, thẻ nhớ USB LEGO này có dung lượng 1GB với 5 màu đen, đỏ, vàng, lục và lam. Nhà sản xuất SolidAlliance cho biết sản phẩm này có thể lắp lẫn vào các bộ xếp hình LEGO tiêu chuẩn.

Những chiếc USB Flash Lego với nhiều màu sắc trẻ trung.

2. USB Hub LEGO

Đây là sản phẩm của hãng sản xuất phụ kiện và trang trí nội thất Hàn Quốc – DCX. Các ổ USB mở rộng hình gạch xếp LEGO này tương thích chuẩn USB 2.0 và có giắc nối mini USB tới máy tính của bạn.

Mỗi hình chỉ có 4 cổng USB mở rộng và có nhiều màu sắc cho bạn lựa chọn như: Đỏ, Vàng, Xanh Lam, Xanh Lá…, tương thích nhiều hệ điều hành như Window, Linux và Mac OS.

Từng bộ cổng USB có thể ghép với nhau, tuy nhiên, chúng không có mối liên kết khi truyền dữ liệu.

3. Máy ảnh kĩ thuật số LEGO

Chiếc máy ảnh này là sản phẩm chính hãng đến từ LEGO. Để sản xuất chiếc máy ảnh này dưới hình dạng những miếng ghép, hãng Lego đã hợp tác với hãng công nghệ Digital Blue (Mỹ).

Theo nhà sản xuất, sản phẩm này nhắm tới đối tượng khách hàng là các em nhỏ trong độ tuổi từ 7 đến 11 và dự tính sẽ được phân phối trên thị trường với giá khoảng từ 20 đến 60 USD.

Máy ảnh của LEGO có độ phân giải 3 triệu điểm ảnh, màn hình LCD 1,5-inch và bộ nhớ trong 128MB có thể chứa được 80 bức ảnh.

Chiếc máy ảnh Lego này được cung cấp dưới dạng những mảnh ghép riêng biệt cho các trẻ 7-11 tuổi lắp ráp.

“Việc gia nhập thị trường sản phẩm điện tử dành cho trẻ em của chúng tôi sẽ cho phép các fan hâm mộ trò lắp ghép LEGO thể hiện bản thân họ qua những hình ảnh, video và âm nhạc”, Jill Wilfert, Chủ tịch hãng Lego cho biết.

4. Máy chơi nhạc MP3 LEGO

Mỗi chiếc máy nghe nhạc được trang bị pin Li-ion với thời gian phát nhạc tối đa là 6 giờ, khe đọc thẻ microSD hỗ trợ tối đa thẻ 2GB.

Mặt trên của khối xếp hình LEGO phát nhạc này là 5 nút bấm với các tính năng điều chỉnh âm lượng, Next/Previous và Play/Pause.

Máy nghe nhạc này có lỗ cắm tai nghe 3.5 mm và sạc qua cổng mini USB. Sản phẩm có giá 49 USD.

Một cục Lego “biết hát” chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

5. Dock cho iPod phong cách LEGO

Nếu bạn đã có một chiếc iPod, chắc hẳn bạn sẽ muốn có thêm chiếc dock này cho máy nghe nhạc của mình. Vật trang trí đầy màu sắc này cho phép bạn vừa sạc iPod vừa nghe nhạc với đầu ra stereo 3.5mm.

Sản phẩm có tới 9 màu sắc cho bạn chọn lựa: trắng, đen, đỏ, vàng tươi, hồng, bạc, vàng bóng, xanh lam, xanh lá và có giá 25 USD.

Những chiếc Dock dành cho iPod với màu sắc trẻ trung.

6. Webcam LEGO

Chiếc Webcam trong ảnh sẽ làm bàn làm việc của bạn trở nên ngộ nghĩnh hơn. Nó có độ phân giải 630×480 pixel và tốc độ 30 khung hình/giây.

Cáp USB của nó có chiều dài 50cm, đủ để cắm vào cổng USB của laptop. Mẫu webcam này có 7 màu đỏ, vàng, cam, hồng, xanh lam, xanh lá và đen. Nó có giá không rẻ chút nào, với mức giá 80 USD.

Chiếc Webcam Lego này có giá lên tới 80 USD.

7. Máy chơi game LEGO

Chính xác nhất, đây là một chiếc máy chơi game Sony PS1 có vỏ LEGO; là sản phẩm của Max Maruszewski, một anh chàng ham tìm tòi sáng chế ở San Francisco, Mỹ. Max cho biết chiếc LEGO PS1 này là sản phẩm kết hợp 2 niềm đam mê của anh. Chiếc máy chơi game này hiện vẫn chạy tốt.

Lego PlayStation 1 – Máy chơi game phong cách LEGO.

8. Router Wifi LEGO

Nhàm chán với chiếc Router Linksys WRT54GL, Luke Anderson với bộ óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, đã tự tạo riêng cho mình một chiếc Router không giống ai từ những miếng xếp hình LEGO và những linh kiện từ chính chiếc Linksys.

Anderson tháo nguyên bảng mạch và ăng ten rồi dùng bộ xếp hình LEGO để tạo ra phần vỏ, sau đó lại lắp bảng mạch vào. Điều thú vị là Anderson mất tới 60 USD để mua các phụ kiện Lego làm phần vỏ trong khi chiếc Router của anh chỉ có giá 40 USD.

Chiếc Router Lego này được làm mát bằng không khí qua khe hở ở mặt dưới.
Router ADSL độc đáo của  Luke Anderson.

9. Máy quét không gian 3 chiều LEGO

Đây là sản phẩm công nghệ phong cách LEGO phức tạp nhất. Chiếc máy quét 3D này là sản phẩm của Philo Hurbain trong quá trình nghiên cứu các mô hình Lego phức tạp sử dụng trong chương trình LDraw CAD của mình. Philo đã sử dụng bộ lắp ghép LEGO Mindstorms NXT, một bộ lắp ráp bậc cao để chế tạo nên máy quét trên.

Máy quét 3 chiều làm từ Lego – một sản phẩm cực kì phức tạp.

LEGO Mindstorms NXT là bộ công cụ lắp ghép trí tuệ cao của LEGO, bao gồm 3 động cơ điện và 4 cảm biến âm thanh, ánh sáng, xúc giác và cảm biến sóng siêu âm.

LEGO Mindstorms NXT còn bao gồm một “bộ não” với nút điều khiển, màn hình LCD và các cổng truy xuất cho phép nạp các chương trình lập trình trên máy tính vào. Tại Việt Nam, LEGO Mindstorms NXT có giá bán 6,5 triệu đồng.

10. Vỏ máy tính LEGO

Chiếc vỏ máy tính độc đáo trên cũng là sản phẩm của “anh chàng LEGO” Luke Anderson và đã ngốn rất nhiều thời gian Anderson để thiết kế, mua đủ các thành phần và lắp lại.

Chiếc vỏ máy này cần đến 1.238 mảnh ghép LEGO các loại và tốn hết chi phí gần 500 USD.

Chiếc case máy tính Lego của Luke Anderson được tạo nên từ 1238 mảnh ghép Lego các loại
Mạnh Kiên (tổng hợp)